JoyUni Founder Team's BlogNgày: 13-12-2022 bởi: Mkt exe
Thế hệ Gen Z - Nhà lãnh đạo tương lai của đất nước có những tố chất gì cần phát triển, khai phá?
Tại Việt Nam hiện nay cụm từ thế hệ Z được chú ý nhiều hơn khi nhắc về những con người trẻ, họ đã và đang từng bước vững chắc tiến lên chiếm lĩnh những vị trí quan trọng của nền kinh tế xã hội.
Gen Z được xác định là những bạn trẻ được sinh ra từ năm 1997 đến 2015, theo số liệu từ năm 2019 họ chiếm đến 1/7 dân số tại nước ta. Được sống trong kỷ nguyên cuộc cách mạng 4.0, sự bùng nổ công nghệ cũng như những bước tiến thần tốc của khoa học kỹ thuật, thế hệ này theo đó nhận được rất nhiều những cơ hội phát triển, bên cạnh những thách thức đầy nan giải để có thể phát triển trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng cải thiện, cạnh tranh. Dựa trên bối cảnh ấy, người ta thường đặt ra những câu hỏi về những kỹ năng, kiến thức và cụ thể chính là những tố chất mà Gen Z cần khai phá để hoàn thiện con đường trở thành “nhà lãnh đạo tương lai”.
Kỹ năng quản lý con người và lãnh đạo
Một nhà lãnh đạo như tên gọi chắc chắn không thể thiếu hai kỹ năng quan trọng nhất chính là quản lý con người, lãnh đạo. Tại sao không gộp chung hai phạm trù này mà phải tách thành hai tố chất riêng biệt.
Đầu tiên, ở khía cạnh quản lý con người, điều này không dừng lại trong việc quản lý hiệu quả làm việc, quy trình hoạt động của những nhân viên, hay cấp dưới. Việc quản lý con người đòi hỏi cao hơn ở mức độ chỉ giám sát, hay theo dõi tiến độ công việc. Con người ở đây cũng là Gen Z, những thế hệ mới với những sự phát triển cũng như tiến bộ trong tư duy làm việc. Nhà lãnh đạo cần thấu hiểu nhân viên để đưa ra những đãi ngộ, mức quan tâm phù hợp để nhân viên cảm thấy thoải mái và thỏa sức sáng tạo, cống hiến cho công việc. Quản lý khác với kiểm soát, biến một tập thể những con người với các cá tính khác biệt, kỹ năng, điểm mạnh, điểm yếu riêng trở nên hòa hợp, gắn kết cho toàn bộ quá trình làm việc.
Lãnh đạo là một loại tố chất yêu cầu những người đứng đầu cần phải tập hợp, tiếp năng lượng để hướng nhân viên đến tới những mục tiêu chung của doanh nghiệp. Trên con đường đó, nhà lãnh đạo cần cho thấy những cơ hội mà nhân viên có thể nhận được, cũng như những kết quả về phát triển cũng như thành tựu, điều đó giúp tạo nên một mối quan hệ song phương, đoàn kết cho mục tiêu chung.
Không ngừng nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm
Ý chí cầu tiến, không ngừng mở rộng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm là một tố chất mà không chỉ Gen Z, bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng cần duy trì điều này nếu muốn thành công. Hiện nay, Gen Z được hậu thuẫn rất lớn từ những thành tựu khoa học công nghệ, sống trong làn sóng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, Gen Z có rất nhiều những cơ hội để lựa chọn cho mình những khóa học trải nghiệm. Bên cạnh những kiến thức tích lũy từ giảng đường đại học, những kỹ năng mềm, những kiến thức bổ sung hay phát triển chuyên môn luôn là yếu tố bắt buộc cho các nhà lãnh đạo. Sự đa dạng thông tin giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận hơn đến những nguồn tài liệu, đánh giá có độ tin cậy cao, từ đó lựa chọn ra những khóa học, việc làm tích lũy kỹ năng phù hợp với định hướng tương lai.
Chọn lọc khóa học, tích lũy kinh nghiệm cụ thể qua những công việc làm, kiến thức chuyên môn và ở những kỹ năng khác. Từ những khảo sát cho thấy số đông cho rằng một CEO tốt cần phải trang bị thêm cả tố chất về Trí tuệ xúc cảm, Tư duy sáng tạo và Khả năng tự nhận thức.
Trong tương lai của nền kinh tế khoa học kỹ thuật hiện đại, Gen Z được khắc họa là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, họ là những người vừa có thể giao tiếp xuất sắc và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu thống nhất, hợp lý.
Tuy nhiên, việc ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu là kỹ năng mà thế hệ Z cảm thấy không được chuẩn bị tốt. Những tố chất trên sẽ được phát triển nhiều hơn thông qua quá trình làm việc kết hợp với nâng cao kiến thức của họ.
Nhận thức các tác động từ công nghệ, chính trị và môi trường
Đây đều là những vấn đề cốt lõi mà các nhà lãnh đạo cần quan tâm. Những nhân tố trên luôn tồn tại trong quá trình phát triển của kinh tế, xã hội và có những tác động đa chiều đến nhau. Trong từng thời kỳ, sự phát triển của yếu tố này hoàn toàn có thể va chạm, gây ra những tác động cho những yếu tố khác của xã hội. Nhà lãnh đạo Gen Z hơn ai hết cần hiểu rõ tác động của những yếu tố nêu trên. Bất kỳ quyết định nào của nhà lãnh đạo đưa ra đều có thể chịu ảnh hưởng từ những yếu tố trên và gây ra những thiệt hại. Khoa học công nghệ mang đến tiện nghi, bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên mặt trái của nó tạo nên sự lệ thuộc, gây ra các tác động đến cấu trúc quan trọng của những hệ thống kiến thức nền tảng, hay giá trị thuần túy của giáo dục hay những nguyên tắc công việc.
Chính trị trong mọi hoàn cảnh luôn gắn liền với kinh tế xã hội, những nhà lãnh đạo luôn cần phải duy trì những mối quan hệ ở mức ổn định. Hơn nữa, họ cần phải hướng đến sự phát triển song phương, cân đối mức ảnh hưởng giữa các yếu tố này. Cuối cùng, vấn đề môi trường luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm, đây cũng là một điểm quan trọng trong bất kỳ quyết định đánh giá nào cho các nhà lãnh đạo. Như đã nêu ở trên, sự phát triển khoa học công nghệ hoàn toàn có thể ảnh hưởng, hoặc nguy hại đến yếu tố môi trường. Thật khó để phủ nhận, những nhà lãnh đạo tương lai cần định hình, tạo nên những kế hoạch hoàn thiện hơn để giảm đi những tác động tiêu cực đến với môi trường.
Bên cạnh những tố chất quan trọng trên, những nhà lãnh đạo tương lai vẫn cần hoàn thiện rất nhiều kỹ năng, tư duy để bổ trợ phát triển cho tố chất của mình. Không ngừng học hỏi, tự tin, duy trì trách nhiệm cao nhất với con đường đã chọn là định hướng tốt nhất cho những bạn trẻ Gen Z bước đến thời đại mới, thời đại mà họ là trung tâm.