Giỏ hàng
Các bước giải quyết xung đột hiệu quả

JoyUni Founder Team's BlogNgày: 15-06-2021 bởi: ADMIN

Các bước giải quyết xung đột hiệu quả

Sáng nay, khi bắt đầu nói chuyện với các bạn trong CLB “sạc pin”, tôi nói với các bạn rằng mình chẳng nghĩ ra có niềm vui gì lúc này, chỉ thấy trong người không khoẻ lắm, không vui lắm, thấy mình đang rất thiếu niềm vui trong cuộc sống.

Khoảng thời gian đầu tiên trong buổi trò chuyện, tôi và các bạn chỉ nói những chuyện linh tinh, trong đầu tôi nảy ra suy nghĩ “mình đang record buổi này mà mọi người toàn nói linh tinh thế này”. Nhưng rồi chính nhờ những phút nói chuyện xuôi theo cảm xúc, không có chủ đề, chỉ là nói ra những điều muốn nói, năng lượng của cả nhóm ngày càng vui vẻ và tích cực hơn, đến 20 phút cuối, mọi người có thể chia sẻ với nhau những nội dung thực sự chất lượng, sâu sắc, đem lại sự chuyển hoá ngay cho các thành viên.

Sáng nay có một bạn chia sẻ là hôm qua bạn ấy đã nổi nóng với một đồng nghiệp, sau khi nổi nóng, bạn ấy cảm thấy không khí làm việc ngột ngạt quá nên đã bỏ về nhà từ buổi trưa để làm việc ở nhà cho thoải mái. Nhưng dù đã về nhà, bạn ấy vẫn nghĩ mãi về chuyện kia, tự hỏi “tại sao mình lại làm thế nhỉ, đâu cần thiết phải căng thẳng như thế đâu, vừa không được việc (vì dù to tiếng nhưng công việc vẫn không trôi, đang bị tắc lại), vừa khiến chính mình khó chịu”.

Và rồi bạn ấy đã nhận được những chia sẻ rất hay của 2 bạn trong nhóm về các bước cần làm khi có xung đột với người khác.

Đây là chia sẻ của 2 bạn về cuốn sách “Làm mới tình thương" - sư cô Chân Không (một học trò thân cận của thầy Thích Nhất Hạnh)

Các bước cần làm sau khi xung đột xảy ra, tạo ra một sự khởi đầu mới trong mối quan hệ:

  • Bước 0 - Tạo ra một lịch hẹn ở một môi trường thoải mái, dễ chịu (cho người kia cảm giác được thiện chí của mình): có thể hẹn đi uống trà, có bình hoa
  • Bước 1 - Tưới hoa: Khen ngợi người kia về điểm tốt của họ, cám ơn họ cụ thể, chân thành
  • Bước 2 - Nói lời xin lỗi: Tự nhận thấy mình mắc cái lỗi, ví dụ mình đã nổi nóng..
  • Bước 3 - Nói về cảm xúc của mình, sự tổn thương, người kia đã khiến mình đau khổ như thế nào. Mình biết là họ không cố tình như thế, nhưng cảm xúc thật mà mình đã cảm thấy là gì, mình hiểu cảm xúc này không hoàn toàn đến từ người kia, nó có thể đến đến từ chính mình và những điều kiện khác...
  • Bước 4 - Hỏi về cảm giác và mong muốn của người kia, họ muốn mình làm gì để tốt hơn... Nếu là vợ chồng, hoặc những người đủ thân thì có thể thêm bước cuối cùng là thiền ôm, trước khi ôm thì chắp tay chào nhau, nhìn vào mắt nhau và nghĩ “người đứng trước mắt mình sẽ không ở bên mình mãi mãi", tự đọc trong đầu 4 câu thơ

Giận nhau trong phút giây

Nhắm mắt nhìn mai sau

Chừng 300 năm nữa

Anh đâu và tôi đâu

rồi sau đó 2 người từ từ tiến đến ôm nhau thật chặt

Lưu ý:

Điều đầu tiên cần làm là “làm mới chính mình", cho mình không gian, thời gian để lắng lại và thực hành các bước trên với chính mình, khi nào chính mình cảm thấy bình an, được chữa lành thì mới giúp chữa lành cho người kia

Tưới hoa là việc nên làm thường xuyên, không chờ đến khi có xung đột xảy ra mới nói,

CLB đã kết thúc lúc 6h30 sáng nay và chỉ cách đây vài phút (sau 90 phút kể từ khi CLB kết thúc), bạn H – người mà sáng nay có kể về câu chuyện xung đột với đồng nghiệp đã chia sẻ với cả nhóm những dòng tin nhắn như thế này

• Chào buổi sáng cả nhà! Sáng hnay là sáng yêu thương! Cảm ơn chị Hoa và Hồng Ngọc với câu chuyện Thiền ôm, làm mới tình thương và câu chuyện chị Hoa chia sẻ về đôi vợ chồng: hãy bắt đầu câu chuyện bằng yêu thương chứ k phải phán xét/kiểm soát

Đó là bài học em đã học đc sáng nay:

• Em vừa nhắn tin xin lỗi (bạn đồng nghiệp mà hôm qua đã cáu giận với bạn ấy), nói rằng mình đg căng thẳng nên đã thật sự k đặt mình vào người khác, và đề xuất ngồi lại để cùng phân công và sẵn sàng chia sẻ. Mọi thứ đã rất tốt đẹp, và thậm chí bạn ấy nói rằng có thể để bạn ấy làm hết luôn vì như thế cũng hợp lý. Cảm ơn mọi người! Vì một ngày tốt lành, bỏ hết những ưu phiền!

Các bạn bè trên FB của tôi, các bạn học viên của tôi khi đọc những dòng đầu của bài viết này với những chia sẻ về “tôi cảm thấy có rất ít niềm vui trong cuộc sống” – các bạn có cảm thấy ngạc nhiên không?

Trước giờ, dường như các bạn không bao giờ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực này của con người tôi, các bạn có thể nghĩ “hay gần đây có sự cố gì xảy ra với cô ấy”

Không có chuyện gì xảy ra ra với tôi cả, bạn ạ, tôi vẫn thường xuyên “up and down” như vậy đấy.

Bạn không nhìn thấy điểu này bởi vì trên FB hay khi xuất hiện trước đám đông, tôi cũng giống như rất nhiều người vẫn có thói quen “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Chính vì cứ phải gồng lên để đậy cái khó chịu, dồn nén sự không vui lại, nên rất nhiều lúc chúng ta cảm thấy rất mệt. Vì hiểu đặc điểm này của bản thân, cũng là đặc điểm của rất nhiều người, tôi đã cùng một nhóm học trò của mình lập ra CLB “Lãnh đạo sạc pin” để tạo cho mọi người một không gian được phép tiêu cực, được phép chia sẻ những thứ bình thường toàn tự mình nén lại.

Bài viết này đầu tiên là tôi tự viết cho chính mình (vì tôi vẫn thường có thói quen viết nhật ký, như một cách thức để chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mình), nhưng rồi tôi chợt nghĩ có thể nó rất tốt cho nhiều người, nên đã chia sẻ nó.

Chúc bạn một ngày có nhiều niềm vui, và nếu không vui, hãy cho phép mình được cảm thấy như vậy, chia sẻ điều đó với những người tích cực, có cho mình một nhóm “sạc pin” và dành những khoảng thời gian tám chuyện cùng họ. Online là công cụ tuyệt vời để chúng ta có thể làm việc này, chúng tôi đều online với nhau lúc 5h30 hàng sáng, đây là cách để chúng tôi được chia sẻ cảm xúc thật, suy nghĩ thật và học hỏi từ nhau, tiếp thêm năng lượng tích cực cho nhau.

Blog của chị  Hạnh Hoa - Co-Founder JoyUni

Link bài gốc tại đây